Đã bao giờ bạn tự hỏi - vì sao khi ở ngoài mình vốn là một người điềm tĩnh, mà khi về nhà vẫn không tránh được việc nổi nóng với cha mẹ chưa?
Lúc bạn còn bé, mỗi lần bố mẹ quát mắng, bạn sợ. Lớn thêm một chút rồi, khi bị bố mẹ chỉ trích mà không phục, bạn cảm thấy thất vọng. Đến lúc đủ cứng cáp để dám tranh cãi bảo vệ lối sống của bản thân trong gia đình, đến lượt bố mẹ trở thành người thất vọng. Rồi khi tuổi cao sức yếu, mỗi lần bạn lên giọng, bố mẹ lại giật mình sợ hãi.
Một người anh của tôi từng chia sẻ về chuyện nuôi con gái rằng - mỗi lần lỡ giận mà mắng nó, tối đến lại thấp thỏm lo sợ. Sợ là mình làm con tổn thương. Sợ là vì thế mà con sẽ không còn cảm thấy an toàn và tin tưởng mình nữa.
Ở trong sâu thẳm, tất cả những người nóng tính đều giấu một suy nghĩ, họ nhận ra mỗi khi mất kiểm soát mà nặng lời với người thân, họ cũng vô tình làm tổn thương chính mình. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng tương tự như vậy. Bên trong tình thương và sự hiếu thảo, vẫn đâu đó có bóng dáng của mặc cảm tội lỗi.
Khi chưa trưởng thành mà so sánh gia đình người khác với nhà mình, có thể bạn sẽ thấy không hài lòng về cha mẹ. Nhưng sự thật là trên đời vốn dĩ không tồn tại một gia đình hoàn hảo, tự bản thân mỗi con người đã không thể vẹn toàn. So sánh sân khấu nhà người khác với hậu trường nhà mình là một điều cực kỳ vô nghĩa.
Chỉ khi ngừng đổ lỗi cho cha mẹ về những gì mà bản thân không có, một người mới có thể cảm thấy thanh thản, rồi làm một việc gì đó thay đổi được cuộc đời mình. Đó là một trong những bài học căn bản nhất để trưởng thành.
Trên đời thật sự có rất rất ít người sẽ đối xử với bạn một cách vô tư và chân thành. Nếu có, đó cũng là kết quả của việc bạn đã đầu tư nhiều năm tháng cùng họ xây dựng một mối giao tình chân thành và sâu đậm. Còn lại, ở trong vô thức, bản chất của mọi mối quan hệ đều là trao đổi lợi ích. Mong bạn đừng ngạc nhiên khi nhận ra trong xã hội, mọi người vẫn thường cư xử với nhau theo một cách có phần vụ lợi.
Chỉ có điều, từ trước khi bạn mang đến được lợi ích gì đó cho cha mẹ, từ khi bạn vẫn còn là một đứa trẻ cứng đầu, khó bảo, kén ăn, không biết điều… cha mẹ đã luôn dành cho bạn sự tận tuỵ lớn nhất mà họ có thể, rồi lại tiếp tục hy sinh thêm cả bản thân mình để ít nhất, bạn sẽ được lớn lên trong tuổi thơ êm đềm.
“Con cái” là một thứ động vật non nớt, chúng không phân biệt được giữa những điều mang lại sự thoả mãn lớn về cảm xúc và những điều dù không dễ chịu nhưng lại thật sự cần thiết với mình. Cha mẹ nào mà chẳng muốn con cái nghĩ về mình bằng những phần vui vẻ tình cảm nhất. Nhưng ở vị trí của cha mẹ, họ cũng phải dám hy sinh để nhắc bạn về những việc cần thiết, cho dù chúng không dễ chịu.
Nhà mãi là nơi mà bạn cảm thấy an toàn nhất. Ở đó bạn không cần cố gắng diễn cho ai xem cả. Thế nên, nhà cũng là nơi mà mỗi người không hề phòng bị, cũng chẳng hề bận tâm kiểm soát bản thân mình mà nổi nóng. Nếu không phải là nhờ cả đời bố mẹ đã dành cho bạn một sự bảo hộ lớn đến thế, thì cuộc đời này của bạn cũng đừng mong có được thứ cảm giác xa xỉ của việc được lớn tiếng trong nhà.
Hãy cố gắng đối xử với bố mẹ một cách hiếu thảo và ôn tồn nhất. Nếu không, đến khi bố mẹ không còn trong cuộc sống này nữa, bạn mới nhận ra thế nào mới là thực sự cô đơn. Những lời hiếu thảo mà bạn chưa kịp nói, sau này sẽ trở thành mặc cảm tội lỗi mà dằn vặt bạn suốt nhiều năm tháng.
Ở tuổi này, tôi học được rằng, càng là người gần gũi với mình thì càng phải ra sức mà hết lòng, cho dù điều ấy trông có vẻ khách sáo. Đừng làm ngược lại, đừng cố gắng thể hiện với những người lạ không quen, rồi để dành cho gia đình những phần xương xẩu xấu xí.
Sống ở trên đời, chỉ sợ bản thân không đối xử được đủ tốt với những người có ơn với mình; chứ sợ gì những chuyện nhỏ như lừa đảo, phản bội hay lợi dụng.
Comments
Post a Comment